Site icon SIN88

Petr Cech: “Ngày Mourinho rời Chelsea, buổi sáng hôm đó ông ấy vẫn đi xem phim với chúng tôi”

thumb bai TDP

20 năm trước, Petr Cech đến Chelsea. Thậm chí, thủ thành này đã đồng ý gia nhập The Blues từ trước khi anh giúp CH Czech lọt vào tới bán kết Euro 2004.

20 năm trôi qua, nhìn lại thì Cech đã có một sự nghiệp cầu thủ rực rỡ trong màu áo xanh, dù có những biến cố xuất hiện. Lúc này, tình yêu của anh cho Chelsea vẫn không hề đổi thay và những ký ức vẫn vẹn nguyên như ngày nào.

– Có phải anh bắt đầu chơi bóng ở vị trí tiền đạo, nhưng sau đó trở thành thủ môn vì bị gãy chân vào năm 10 tuổi?

Đúng như vậy. Thủ môn của chúng tôi luôn muốn sút bóng và ghi bàn trong 5-10 phút cuối buổi tập, vì thế anh ấy hỏi tôi liệu có thể đứng vào bắt gôn được không. Một ngày, khi đó tôi 8 tuổi, chúng tôi có một trận đấu mà thủ môn không đến được. HLV nói: “Cháu không sợ bóng nên hôm nay cháu bắt gôn nhé?” Hôm sau, khi đến buổi tập, HLV thủ môn kéo tôi qua một bên rồi nói: “Cháu đi với chú”. Nhưng vì tôi thuận chân trái và lại có nhãn quan về trận đấu nên HLV trưởng không muốn để tôi làm thủ môn luôn. Thế là có trận tôi bắt gôn, có trận lại đá tiền đạo hoặc tiền vệ. Năm 10 tuổi, tôi gãy chân khi chơi trên hàng công trong một tình huống 1v1 với thủ môn khiến không thể chạy được trong một thời gian dài. Từ đó, tôi quyết định mình sẽ bắt gôn.

– Anh có thần tượng nào ở vị trí thủ môn không?

Sau đó, tôi bắt đầu xem nhiều thủ môn khác nhau và quan sát những gì họ làm. Peter Schmeichel có tầm ảnh hưởng lớn với tôi, sau đó là Oliver Kahn, Edwin van der Sar, Gianluigi Buffon – tôi xem anh ấy chơi bóng từ năm anh ấy 19 tuổi khi Parma đối đầu Sparta Prague ở Champions League. Iker Casillas bắt đầu thi đấu ở Real Madrid khi mới 18 tuổi và anh ấy chỉ hơn tôi 1 tuổi. Tôi suy nghĩ: “Nếu bọn họ có thể thi đấu được khi mới chừng ấy tuổi, tại sao mình lại không thể chứ?” Tôi thường xem những thủ môn đó và cố gắng học tập mỗi người một chút.

– Đội hình CH Czech lọt vào bán kết Euro 2004 mạnh như thế nào?

Chúng tôi nằm trong top 5 đội mạnh nhất thế giới, đó là sự thật. Nếu bạn nhìn vào vòng loại năm đó, chúng tôi thắng rất nhiều trận. Chúng tôi chơi thứ bóng đá đẹp, có những cầu thủ xuất sắc và ăn ý kinh khủng. Khi đến Euro 2004, chúng tôi biết nếu chơi đúng thực lực, chúng tôi sẽ có cơ hội tiến xa.

Sau khi đánh bại Latvia 2-1, chúng tôi đối đầu Hà Lan ở lượt trận thứ 2 và đó có lẽ là một trong những trận hay nhất tôi từng chơi, trên phương diện tính giải trí, bầu không khí trên sân và chất lượng chuyên môn. Chúng tôi bị dẫn trước 2-0 sau 20 phút và lội ngược dòng thắng 3-2. Tôi luôn nhớ lại trận đấu này và nghĩ rằng nếu mình là một cổ động viên trên khán đài, tôi sẽ ăn mừng điên cuồng như thế nào.

Trận đấu đó cũng cho thấy chúng tôi có thể làm được những gì vì sau đó chúng tôi đánh bại Đức và Đan Mạch. Tiếc là chúng tôi lại không thể vượt qua được đáng kết, song đó vẫn là một tập thể đáng kinh ngạc.

– Anh thất vọng thế nào khi thua Hy Lạp ở bán kết Euro 2004, nhất là khi sau đó họ giành chiến thắng ở trận chung kết?

Chúng tôi là đội duy nhất trong lịch sử thua ở bán kết bởi một bàn thắng bạc. Cho những người không nhớ, luật bàn thắng bạc là nếu một bàn thắng được ghi trong hiệp phụ thứ nhất thì sẽ không có hiệp 2 nữa. Chúng tôi hòa Hy Lạp 0-0 trong hiệp chính nên phải chơi hiệp phụ. Khi Hy Lạp được hưởng phạt góc và tôi nhìn lên bảng điện tử thấy đồng hồ dừng ở phút 105. Trọng tài hôm đó là Pierluigi Collina, ông ấy nói: “Sau tình huống phạt góc này, hiệp đấu kết thúc”. Và Hy Lạp đã ghi bàn từ quả phạt góc đó. Về cơ bản chúng tôi nhận một “bàn thắng vàng bạc”. Chúng tôi cố bảo ông ấy là: “Cho chúng tôi thêm 20 giây đi”, nhưng ông ấy quả quyết: “Hết giờ rồi, tôi xin lỗi”.

Nếu chúng tôi có thêm 15 phút nữa, tôi dám chắc chúng tôi có thể lội ngược dòng. Cuối cùng điều đó không diễn ra, Hy Lạp lập nên vinh quang lịch sử. Nhưng nhìn lại chúng tôi vẫn thấy thất vọng. Chúng tôi trước đó không phải nhận bàn thua từ phạt góc, thế rồi ngày hôm ấy điều đó đã đến.

– Khi anh gia nhập Chelsea, ở đó đã có một thủ môn đã khẳng định được vị thế. Mối quan hệ giữa anh và Carlo Cudicini thế nào sau khi anh trở thành thủ môn số một?

Khi tôi đến, Carlo đã được bầu là thủ môn xuất sắc nhất mùa giải, anh ấy rất được cổ động viên yêu mến. Mỗi khi tôi khởi động hay đội hình ra sân được công bố, cả khán đài phía sau khung thành lại hô vang: “Carlo, Carlo”. Ban đầu, chúng tôi có mối quan hệ công việc rất tốt đẹp và chúng tôi thúc đẩy lẫn nhau. Carlo thực sự là người giàu tính cạnh tranh, anh ấy nỗ lực để vẫn là số 1, trong khi tôi làm hết sức có thể để xem liệu mình có được công nhận hay không. Sau đó, thời gian trôi đi, Carlo trở thành một trong những người bạn thân nhất của tôi trong giới bóng đá.

Bạn phải hiểu thế này: Thủ môn thì không tự chọn mình ra sân được. Bạn nỗ lực hết sức vì muốn thi đấu và ai cũng như thế cả. Nếu đồng đội của bạn được chọn thì điều đó cũng là công bằng, bởi anh ấy thể hiện tốt hơn. Ở vị trí này, bạn phải là người làm tốt hơn và cho HLV thấy. Vấn đề ở vị trí thủ môn là nếu đồng đội của bạn chơi tốt, bất kể bạn làm gì, rất khó để bạn được ra sân. Là một cầu thủ ở các tuyến trên, bạn còn có thể vào sân 15-20 phút, ghi một bàn thắng và cơ hội đá chính mở ra. Là thủ môn bạn không thể làm điều đó nên đó là vị trí rất khó khăn nếu bạn không được ra sân. May mắn là tôi không phải trải nghiệm điều đó quá nhiều.

– Mùa giải đầu tiên của anh ở Chelsea cũng là mùa đầu tiên của Jose Mourinho tại CLB. Những ngày đầu đó ông ấy như thế nào?

Ông ấy là nhân tố quan trọng cho thành công của chúng tôi. Ông ấy thúc đẩy mọi người thi đấu thật tốt, và với tư cách một CLB chúng tôi có tiêu chuẩn rất cao. Mức độ cạnh tranh trong mọi buổi tập luôn rất cao. Mọi người đều biết rằng nếu không cho ông ấy thấy mình sẵn sàng thi đấu, ông ấy sẽ không lựa chọn bạn. Ông ấy nói: “Nếu không ra sân, hãy nhìn người được chọn thay cậu và xem anh ta nỗ lực thế nào”. Khi bạn giành chiến thắng, ông ấy chia vui với bạn. Khi bạn không thắng thì không hề vui chút nào vì ông ấy khiến bạn cảm thấy mình đang không làm những gì phải làm. Dù thế nào đi nữa, ông ấy cũng cực kỳ xuất sắc và là nhân tố quan trọng đằng sau thành công của đội.

– Anh nhớ gì về tình huống nứt hộp sọ trong trận đấu với Reading năm 2006? Anh có bị ảnh hưởng dài hạn gì về sức khỏe hay không?

Ký ức gần nhất mà tôi còn về ngày hôm đó là cái bắt tay. Tôi nhớ hình ảnh quanh sân vận động, phòng thay đồ, nhưng khi chúng tôi trở lại vào năm 2007 thì tôi không nhận ra điều gì cả, cứ như tôi chưa từng ở đó vậy. Tôi cũng không nhớ gì về tai nạn đó. Có lẽ đó cũng là điều tốt, vì nếu không nhớ thì tôi sẽ không bị ám ảnh khi ở trên sân. Sau đó tôi không gặp phải vấn đề gì cả khi đổ người trước mũi giày của đối thủ hay các tình huống 1v1, tôi chơi như thể chấn thương chưa từng xảy ra. Có lẽ đó là một trong những lý do tôi không bao giờ sợ bị chấn thương đó ám ảnh vì tôi thực sự chẳng nhớ gì hết.

–  Anh bị sốc và buồn thế nào khi Jose Mourinho rời Chelsea năm 2007?

Vâng, mọi người ai cũng bất ngờ. Khi đó có một bộ phim tài liệu nói về 2 danh hiệu đầu tiên của chúng tôi. Ngày ông ấy rời đi, chúng tôi đến rạp Fulham Broadway để dự buổi công chiếu. Jose cũng ở đó với mọi người. Chúng tôi cùng ngồi trong rạp, xem phim và sau đó tôi lái xe về nhà. Khi về đến nhà lúc 23h, tôi bật kênh Sky Sports lên và có một dòng in vàng với nội dung Jose Mourinho đã rời đi. Tôi nghĩ là trò đùa thôi, làm sao mà tin nổi cơ chứ. Ở rạp mọi người vẫn ở đó như không có gì xảy ra, thế rồi ông ấy đột ngột rời đi.

– Khi cản phá được cú đá luân lưu của Cristiano Ronaldo ở Moscow năm 2008, anh có nghĩ mình sẽ thắng chung kết Champions League không?

Khi tôi cản phá được cú luân lưu đó và chúng tôi ghi bàn đầy tự tin, tôi đã nghĩ “Chúng ta sẽ làm được”. Nhưng điều tệ nhất là với tư cách thủ môn, bạn phải rìa khung thành.  Khi chúng tôi thực hiện quả luân lưu đáng lẽ là quyết định và JT (John Terry) cầm bóng, tôi chỉ nghĩ: “Đừng để thủ môn bắt được”. Tôi chắc chắn Edwin van der Sar sẽ đổ người, chờ đợi JT sẽ sút đúng hướng anh ấy, vì thế tôi nghĩ: “Sút về phía tôi đi, xem điều gì sẽ xảy ra”.

Khi tôi thấy Edwin đổ người một hướng và trái bóng về phía tôi, tôi đã nhảy lên và nghĩ là ổn rồi. Sau đó, khi thấy trái bóng bay qua cột dọc, tôi thấy khó hiểu vô cùng từ vị trí đứng của mình. Phải mất vài giây tôi mới nhận thức chuyện gì đã xảy ra, đồng thời nhanh chóng xử lý mọi cảm xúc và quay lại với nhiệm vụ. Chúng tôi đã thua ở trận chung kết, nhưng đó là một phần của bóng đá hoặc bất cứ môn thể thao đỉnh cao nào. Đôi khi bạn ở rất gần và phải đối mặt sự thất vọng.

– Quyết định rời Chelsea năm 2015 khó khăn thế nào?

Rất khó khăn vì tôi đã ở Bridge 11 mùa giải và trở thành một phần của CLB. Nhưng khi đó đã đến một thời điểm mà tôi suy nghĩ rằng “Cuộc sống phải tiếp dẫn, sự nghiệp của tôi phải tiếp tục”. Khi có cơ hội gia nhập Arsenal, với tôi đó là thử thách mới mẻ. Họ đã chờ đợi danh hiệu suốt thời gian dài và tôi thấy thật tốt nếu đến giúp họ làm được điều đó.

Khi ấy tôi có nhiều lựa chọn ở nước ngoài, nhưng với tôi Premier League đã và đang là giải VĐQG số một thế giới. Bầu không khí, người hâm mộ thật sự cuồng nhiệt… Bóng đá là số một ở Anh và bạn có thể cảm nhận điều đó ở bất cứ đâu. Thế rồi cơ hội đến Arsenal xuất hiện. Tôi đã suýt gia nhập đội bóng này khi còn trẻ và nó đã không thành vì vấn đề giấy phép lao động, còn lần này thì đây không phải vấn đề nữa.

Tôi luôn biết ơn ngài Abramovich và ban lãnh đạo vì họ luôn nói: “OK, mọi thứ thuộc về cậu, cậu đã cống hiến hết mình cho chúng tôi, chúng tôi sẽ cho cậu ra đi”. Họ không thích việc tôi gia nhập đối thủ trực tiếp và giúp họ đoạt chức vô địch Premier League – họ thực sự không muốn điều đó xảy ra. Nhưng vì những gì tôi đã làm cho CLB, họ nói: “Chà, nếu đó là điều cậu muốn thì…”

– Sau khi đã làm việc với Jose Mourinho và Arsene Wenger, anh nghĩ điều gì khiến họ trở nên đặc biệt. Trong 2 người đó, ai hợp với anh hơn?

Họ có tính cách khác nhau nhưng họ đều là những nhà vô địch. Có thể nói là họ ghét thua cuộc. Còn về phương diện yêu bóng đá và làm mọi thứ để giành chiến thắng thì họ giống nhau. Nhưng cách họ dẫn dắt đội bóng và kể cả khi bạn thấy họ ở các cuộc họp báo thì họ lại khác nhau. Không phải vô tình mà họ đều thành công. Arsene thích đội bóng của mình chơi một cách đúng đắn: Ông muốn thắng, nhưng phải thắng bằng cách chơi thứ bóng đá chất lượng, mang tới sự giải trí cho khán giả. Jose thì thực tế hơn. Ông nói: “Chà, tôi thích chiến thắng bằng cách chơi thứ bóng đá đẹp, và nếu chúng ta có thể làm được thì hãy làm. Nhưng nếu việc chơi thứ bóng đá đẹp có nhiều khó khăn, bạn cần thắng theo bất cứ cách nào”. Bạn phải làm điều đó để đoạt danh hiệu.

Tôi thích làm việc với cả 2 và tôi thích sự khác biệt giữa Arsenal và Chelsea. Tất nhiên, nếu tôi đoạt Europa League trong trận đấu cuối cùng thì trận chung kết đó sẽ tuyệt vời hơn. Chúng tôi cũng đã ở rất gần với danh hiệu Premier League 2016.

– Tại sao anh quyết định treo giày vào năm 2019?

Lúc đó tôi đã sẵn sàng giải nghệ vì vấn đề ở cổ chân khiến tôi khó chịu suốt cả mùa giải. Khi thức dậy vào buổi sáng và cảm thấy đau liên tục, bất kể là làm gì đi chăng nữa thì có lẽ niềm vui đã bớt đi một chút rồi. Tôi đã chơi bóng trong suốt 20 năm nên tôi nghĩ có lẽ đó là lúc dừng lại. Tôi có thể chơi thêm 2-3 mùa giải nữa nhưng tôi không muốn đến một thời điểm phải dừng lại vì chấn thương. Tôi muốn dừng lại ở đỉnh cao, thời điểm khi tôi biết là mình vẫn có thể thi đấu ở đẳng cấp cao nhất.

Nhìn lại, nếu biết rằng 3-4 tháng sau tôi không còn đau đớn và sẽ khỏe hơn nhiều, có lẽ tôi sẽ dành ra 3-4 tháng nữa để xem cơ thể phản ứng ra sao. Dù sao thì tôi cũng không hối tiếc, tôi đã làm hết sức khi còn thi đấu, và cuộc sống vẫn phải tiếp diễn.

– Cảm xúc của anh thế nào về giai đoạn ở Chelsea, thời điểm anh làm cố vấn kỹ thuật và chuyên môn của CLB, khi tranh cãi về Super League nổ ra? Vào cái đêm giải đấu này sụp đổ, người hâm mộ đã phản đối bên ngoài Stamford Bridge và anh đã đến nói chuyện vớ họ…

Tôi nghĩ tôi đã làm các cảnh sát bên ngoài sân vận động thất vọng khi đi ra nói chuyện với người hâm mộ. Đó là quyết định khá tự phát khi tôi đi ngang qua. Có 3 người đã bảo tôi: “Anh đừng đến đó”, nhưng tôi đáp lại: “Các anh hãy đi với tôi, trong trường hợp xấu nhất thì các anh có thể kéo tôi ra”. Họ không hề vui chút nào. Nhưng tôi nghĩ điều đó rất quan trọng. Có những câu hỏi lớn, tất cả diễn ra rất nhanh và nhiều người không biết phải nghĩ gì. Với người hâm mộ, tôi chỉ muốn họ hiểu rằng CLB cần chút thời gian. Mọi thứ đều xảy ra rất nhanh. CLB đã đưa ra quyết định và tôi chỉ đơn giản là muốn mọi người để CLB giải quyết, đừng làm ảnh hưởng tiêu cực đến đội bóng.

– 2 năm sau khi rời Arsenal, anh đồng ý gia nhập đội ice hockey Guildford Phoenix và tiếp tục chơi môn thể thao này cho đến ngoài 40 tuổi. Với anh, vị trí nào khó hơn: Thủ môn ở ice hockey hay thủ môn bóng đá?

Về mặt thể chất thì là ice hockey. Tôi đã đốt trung bình khoảng 3400 calories/trận. Về phương diện chơi thể thao như độ tập trung, đưa ra quyết định, tầm quan trọng của thủ môn thì 2 môn giống nhau.

Ngày nhỏ tôi luôn chơi ice hockey trước khi bóng đá trở thành môn chính. Lý do tôi chơi bóng đá là chúng tôi không thể mua được hết tất cả dụng cụ cần thiết để chơi ice hockey. Bố mẹ đã lôi tôi ra ngoài chơi bóng đá, khi ấy tôi được tặng một đôi găng và đôi giày. Ngay khi bắt đầu chơi bóng, tôi đã yêu môn thể thao này, nhưng vẫn luôn giữ kết nối với ice hockey. Tôi đã đến xem một trận đấu của Guildford vào năm 2013, 2014 gì đấy, sau đó tôi nghĩ là tôi đã trượt băng một vài lần thay vì chạy bộ hay đến phòng gym. Đó là bài tập thực sự về phản xạ và phối hợp tay-mắt. Sau khi kết thúc sự nghiệp bóng đá, mọi người bảo: “Giờ anh có nhiều thời gian hơn rồi nên đừng lo lắng về việc bị chấn thương”, thế nên tôi gia nhập CLB.

– Anh là một tay trống cừ khôi trong thời gian rảnh rỗi. Nếu có thể chơi trống cho bất cứ một ban nhạc nào cả trong quá khứ lẫn hiện tại, anh sẽ chọn ai?

Quả là câu hỏi kó. Tôi vẫn luôn là người hâm mộ của Dave Grohl nên sẽ chọn Nirvana hoặc Foo Fighters.

Theo Tom Gennoy | FourFourTwo

Exit mobile version